Saturday, August 15, 2009

Bài Đọc ngày Thứ Bảy của MC

Phần I: Lễ Tam Bảo, Phần này đọc sau khi dứt kinh tụng


Namo Buddhaya
Con ............. (................ điền khuyết) thành kính đảnh lễ Chư Tôn Ðức Tăng Ni, thân chào tất cả quí vị hiện diện. Hôm nay Thứ Bảy, ngày 15 tháng 08 năm 2009 Phật lịch 2553. Ðây là chương trình Phật Học trực tiếp thực hiện trên Paltalk mỗi ngày, giờ VN nhằm 7:30 đến 10:00 tối, Houston 7:30 đến 10:00 sáng, NY 8:30 đến 11:00 sáng, Cali 5:30 đến 8:00 sáng, Paris 2:30 đến 5:00 chiều, Sydney 10:30 tối đến 1:00 sáng.

Kính thưa quý vị bài học hôm nay sẽ do
ĐĐ Pháp Tân / ĐĐ Pháp Tín thuyết giảng Tuần 2: TỬ "VI. THIỀN VÀ SỰ CHẾT", với sự điều hợp của TT Giác Đẳng. Chúng ta sẽ có chương trình tiếp theo là Chư Tăng thảo luận, Câu đố và kết thúc với bản tin Phật Giáo.

Mở đầu chương trình xin tất cả chúng ta trang nghiêm tam nghiệp đảnh lễ Tam Bảo.

Chúng con xin kính thỉnh Đại Đức Minh Hạnh đọc kinh Lễ Tam Bảo. Namo Buddhaya.

(Đại Đức Minh Hạnh)

Nhất tâm đảnh lễ Ðức Như Lai bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Ðiều Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Nhất tâm đảnh lễ Chánh Pháp do Phật thiện thuyết, thiết thực hiện tiền, vượt ngoài thời gian, đến để chứng nghiệm, hiệu năng hướng thượng, trí giả thân chứng.

Nhất tâm đảnh lễ Chư Tăng đệ tử Thế Tôn bậc diệu hạnh, trực hạnh, như lý hạnh, chân chánh hạnh, gồm bốn đôi tám vị, đáng nhận lễ phẩm, tặng phẩm, tế phẩm, kính lễ, là phước điền vô thượng trong đời.

Nguyện cầu uy đức Phật Bảo
Nguyện cầu uy đức Pháp Bảo
Nguyện cầu uy đức Tăng Bảo
Xin Tam Bảo gia hộ
Ngăn ngừa mọi tai ương
Những hiện tượng bất tường
Những mộng mị xấu xa
Những nghịch duyên trở ngại
Thảy đều mau tan biến
Nguyện muôn loài chúng sanh
Người khổ xin hết khổ
Người sợ hết sợ hãi
Người sầu hết sầu bi
Biết cho với niềm tin
Biết hộ trì giới hạnh
Biết lạc trú trong thiền
Chư thiên đã vân tập
Xin tùy hỷ phước lành
Ðược cát tường như ý
Rồi phản hồi thiên xứ
Chư Toàn Giác đại lực
Chư Ðộc Giác đại lực
Thinh Văn Giác đại lực
Nguyện tổng trì uy đức
Cầu phúc lành phát sanh (lạy)
*****************************
___________________________________________________

(Phần I (Tiếp theo): ............... (.............. điền khuyết) )

Kính tri ân Sư Minh Hạnh.
Kính bạch chư tôn đức
Kính thưa đại chúng

Bài Học hôm nay:

Tuần 2: TỬ

"VI. THIỀN VÀ SỰ CHẾT"
____________

Chúng con kính cung thỉnh TT Tuệ Siêu từ bi dẫn nhập bài học hôm nay. Namo Buddhāya.

Phần II:



VI. THIỀN và sự chết. (TT Giác Đẳng biên soạn).

a. Niệm chết trong thiền chỉ.

Tinh yếu của thiền chỉ là tập trung tâm ý. Chết là một ấn tượng mạnh có khả năng làm tâm định bám sát. Nhưng đề mục mục nầy chỉ dẫn tối đa đến mức độ cận định vì không có tính cách đơn thuần. Trong thiền chỉ, sự chết được liệt kê vào những đề mục tùy niệm.

4. Một người muốn tu tập phép quán này, cần đi vào độc cư và luyện sự tác ý một cách có trí tuệ như sau: "Chết sẽ xảy đến, mạng căn sẽ bị gián đoạn", hay: "Chết, chết".

5. Nếu luyện tập sự tác ý một cách thiếu trí tuệ khi niệm cái chết (có thể xảy ra) của một người thân thì sầu ưu sẽ sinh khởi, như khi một người nọ nghĩ đến cái chết của một đứa con cưng, và niềm hoan hỷ sinh khởi khi nghĩ đến cái chết của một người mình ghét, như khi những người thù nghĩ đến cái chết của người, và không một ý thức khẩn trương (sense of urgency) nào khởi lên khi tưởng cái chết của kẻ không thân không thù, như trường hợp xảy ra nơi một người thiêu tử thi khi thấy một thây chết, và sự lo ngại khởi lên khi tưởng đến cái chết của chính mình, như thường xảy đến cho một người nhát gan khi thấy một kẻ sát nhân với cây kiếm.

6. Trong những trường hợp trên, đều không có chánh niệm, cũng không có ý thức khẩn trương, cũng không có tri kiến. Bởi thế hành giả nên nhìn chỗ này chỗ kia, những người đã bị giết hoặc đã chết, và tác ý đến cái chết của những hữu tình đã chết mà trước đây mình đã trông thấy chúng hưởng thọ các lạc, tưởng nghĩ như vậy với chánh niệm, với một ý thức khẩn trương và với tri kiến, sau đó hành giả có thể tác ý theo cách đã nói trên: "Cái chết đã xảy đến" làm như vậy, vị ấy tu tập niệm chết một cách có trí tuệ. Nghĩa là vị ấy tu tập niệm chết như là một phương tiện chính đáng.

7. Khi một người tu tập niệm chết như vậy, thì những triền cái của chúng được điều phục, niệm được an trú với cái chết làm đối tượng, và đề mục thiền đạt đến cận hành định.

THANH TỊNH ĐẠO, BUDDHAGHOSA, THÍCH NỮ TRÍ HẢI dịch

b. Niệm chết trong Tứ niệm xứ

Trọng tâm của tứ niệm xứ là nuôi dưỡng chánh niệm bền chặt với thân, thọ, tâm, pháp. Chánh niệm là ghi nhận những gì đang hay vừa xẩy ra. Cái chết, tuy là chắc chắn, không phải là một đối tượng quán chiếu thường xuyên. Do vậy trong thiền quán minh sát hành giả chánh niệm sự sanh diệt của danh sắc hay thân, thọ, tâm, pháp hơn là nghĩ tưởng về điều gì sẽ xẩy ra trong tương lai. Một điều nên lưu ý là khi hành Tứ Niệm Xứ không nhất thiết chỉ có ứng dụng thiền quán mà đôi khi những pháp quán niệm khác đi kèm để quân bình và sách tấn hành giả. Trong thời gian tu tập thỉnh thoảng có thể dùng 8 cách quán niệm sự chết để xua tan sự giãi đãi.

Tám Cách Niệm Chết

8. Những người nào nhận thấy niệm chết không tiến xa đến mức ấy, thì hãy niệm chết theo tám cách như sau: (1) Có sự xuất hiện của một kẻ sát nhân, (2) Sự thành công bị phá sản, (3) So sánh, (4) Thân thể bị san sẻ với nhiều chúng sinh, (5) Mạng sống mong manh, (6) Không tướng, (7) Sự giới hạn của Không gian, (8) Sự ngắn ngủi của sát na.

1) Ở đây, "như thế có sự xuất hiện của một kẻ sát nhân" nghĩa là vị ấy nên tưởng thế này: "Cũng như một kẻ sát nhân xuất hiện với cây gươm, nghĩ ta sẽ chặt đầu người này, rồi kề gươm vào cổ người ấy, cũng vậy, cái chết xuất hiện như thế". Tại sao ? Vì cái chết cùng đến với sự sinh ra và cái chết đoạt mạng sống.

2) Như sự thành công bị phá sản: sự thành công chói sáng bao lâu thất bại chưa đến thắng lướt nó. Nhưng không có sự thành công nào mà có thể tồn tại lâu dài không bị thất bại. Do đó:

Như núi đá khổng lồ
Lớn rộng tới trời cao
Tiến đến từ mọi phía
Nghiền nát mọi sinh loài
Già chết nghiền nát hết
Sát lợi, Bà-la-môn
Thương gia người công nghệ
Tiện dân và hốt rác
Nát hết chẳng chừa ai
Dù tượng quân, xa quân
Bộ quân hay chú thuật
Dù đem cả tài sản
Không đánh được tử thần. (S. i, 102)

3) Bằng cách so sánh là so sánh mình với những kẻ khác. Ở đây, chết cần được tưởng bằng cách so sánh theo 7 hạng: so với hạng người có danh vọng lớn, công đức lớn, sức mạnh lớn, thần thông lớn, trí tuệ lớn, với Ðộc giác và với Chư Phật.

Khi hành giả tưởng niệm cái chết bằng cách tự ví với những người khác, những người có danh xưng lớn, v.v ... Dưới ánh sáng của tính phổ quát của cái chết, nghĩ rằng "Cái chết sẽ đến với ta như sẽ đến với những con người đặc biệt kia", thì khi ấy đề mục quán của hành giả đi đến cận hành định.

4) Về sự san sẻ thân xác với nhiều chúng sanh: Cái thân này được nhiều chúng sinh cộng trú. Trước hết, nó được chia sẻ cho 80 gia đình sâu bọ. Nơi thân này, có các loại chúng sinh sống bám vào lớp da ngoài, lấy da ngoài làm thức ăn, có những chúng sinh sống bám vào lớp da trong, lấy da trong làm thức ăn, những chúng sinh sống bám vào thịt, lấy thịt làm thức ăn, những chúng sinh sống bám vào gân, lấy gân làm thức ăn, những chúng sinh sống bám vào xương, lấy xương làm thực phẩm, những chúng sinh sống bám vào tủy, lấy tủy làm thực phẩm. Và tại đấy chúng sinh già, chết, bài tiết phẩn tiểu, thân thể là nhà bảo sanh của chúng, là dưỡng đường của chúng, nghĩa địa của chúng, chỗ đại tiện, tiểu tiện của chúng. Thân thể cũng có thể đi đến chết chóc vì một cuộc nổi loạn của những sâu bọ này. Không những thân này được san sẻ với tám mươi gia đình sâu bọ, mà còn san sẻ với hàng trăm thứ bịnh nội thương và nhiều nguyên nhân gây ra chết chóc từ bên ngoài như rắn rết, bò cạp, v.v ...

5) Về sự mong manh của đời sống: sự sống này bất lực và mong manh. Và đời sống con người gắn liền với hơi thở, gắn liền với những uy nghi đi đứng nằm ngồi, gắn liền với lạnh và nóng, gắn liền với tứ đại, gắn liền với thức ăn.

Sự sống chỉ xảy ra khi hơi thở vào và hơi thở ra có đều đặn. Nhưng khi hơi gió trong lỗ mũi đã đi ra mà không vào lại, và khi nó đi vào mà không ra lại, thì khi ấy một con người được kể là đã chết.

Sự sống cũng chỉ có, khi bốn uy nghi được điều hòa, khi một trong bốn uy nghi trội hẳn ba cái kia, thì sự sống bị gián đoạn.

Sự sống cũng chỉ có khi nóng lạnh điều hòa. Khi quá nóng hoặc quá lạnh thì con người không thể sống.

Sự sống cũng chỉ xảy đến khi bốn đại điều hòa. Nhưng với sự rối loạn của địa đại, ngay cả một người mạnh cũng có thể chết nếu thân thể trở nên cứng đờ, hoặc bị rối loạn một trong bốn đại khởi từ thủy đại, nếu thân thể trở nên mềm nhũn và thối vì tiêu chảy v.v ... Hay nếu thân bị một cơn sốt hoành hành, hay nếu nó bị cắt đứt những đường gân nối các khớp xương (xem Ch. XI, 102).

6) Vô tướng: nghĩa là không định đoạt được (bất định). Nghĩa là cái chết không thể đoán trước được. Với tất cả chúng sanh thì:

Tuổi thọ, bệnh tật, thời gian, nơi chốn
Thân xác này được đặt xuống số phận;
Thế gian không bao giờ biết được những điều này
Không có dấu hiệu gì báo trước những sự kiện ấy.

7) Giới hạn của đời người: cõi người ngày nay có giới hạn ngắn ngủi. Một người sống lâu cũng chỉ sống trên dưới một trăm tuổi. Do đó đức Thế tôn nói: "Này các tỷ kheo, đời người ngắn ngủi. Có đời sống mới phải đi đến, có các nghiệp thiện phải làm, có đời phạm hạnh phải được sống. Ðối với cái gì đã sinh ra, không có chuyện không chết. Người nào sống lâu cũng chỉ sống trên dưới một trăm năm.

"Và này các tỷ kheo, khi một tỷ kheo tu tập niệm chết như sau: Mong rằng ta sống thời gian nhai nuốt một miếng ăn, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn, như vậy ta đã làm nhiều". Khi một tỷ kheo tu tập niệm chết như sau: "Mong rằng ta sống khoảng thời gian hơi thở vào ra, hay trong khoảng thời gian hơi thở ra vào, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn, như vậy ta đã làm nhiều". Ðây gọi là những tỷ kheo trú trong tinh cần, sắc bén tu tập niệm chết để đoạn diệt các lậu hoặc". (A. iii. 305-6)

8) Về tánh cách ngắn ngủi trong sát-na: Nói cho cùng, đời sống chúng sanh vô cùng ngắn ngủi chỉ trong khoảng một niệm. Như cái bánh xe, khi lăn chỉ lăn trên một điểm và khi nghỉ cũng chỉ nghỉ trên một điểm (điểm tiếp giáp với mặt đất), cũng thế, đời sống của chúng sinh chỉ kéo dài trong khoảng một niệm. Khi niệm ấy qua đi, chúng sinh ấy được coi như đã chấm dứt, như lời trích dẫn sau đây: "Trong một niệm quá khứ nó đã sống, khi ấy nó không có mặt trong hiện tại, mà cũng không có trong vị lai. Trong một niệm vị lai nó sẽ sống, khi ấy nó không có mặt trong hiện tại hay quá khứ. Và trong niệm hiện tại, nó đang sống, thì nó không có mặt trong quá khứ hay vị lai.

THANH TỊNH ĐẠO, BUDDHAGHOSA, THÍCH NỮ TRÍ HẢI dịch


c. Niệm tử thi

Tử thi của con người là một ấn tượng mạnh để hành giả quán tưởng bản chất vô thường của thân. Đối tượng quán niệm phải là tử thi thật; phải là tử thi người; phải biết cách quan sát và ghi nhận.

[Quán thân - quán tử thi]

Lại nữa, nầy các Tỳ kheo, người tu tập nhìn thấy một tử thi quăng bỏ trong bãi tha ma một ngày, hai ngày, ba ngày trong trạng thái căng phồng, biến thành màu xanh đen, nát thối. Vị ấy quán: thân nầy tự tánh là vậy, bản chất là vậy, không thể vượt ngoài tánh chất ấy.

[Quán thân - quán tử thi bị hủy thể]

Lại nữa, nầy các Tỳ kheo, người tu tập nhìn thấy một tử thi quăng bỏ trong bãi tha ma bị các loài cầm thú quạ, diều hâu, kên kên, chó, giả can hay côn trùng đục khoét để ăn. Vị ấy quán: thân nầy tự tánh là vậy, bản chất là vậy, không thể vượt ngoài tánh chất ấy.

Như vậy vị ấy quán thân bằng nội thân hay ngoại thân hoặc cả hai. Vị ấy quán tánh sanh khởi trên thân, quán tánh hoại diệt trên thân hoặc cả hai tánh sanh diệt trên thân. Vị ấy quán niệm sự hiện hữu của thân với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Vị ấy không ỷ lại, chấp trước bất cứ vật gì ở đời. Nầy các Tỳ kheo, như vậy là người tu tập lấy thân quán thân.

KINH TỨ NIỆM XỨ, NGHI THỨC TỤNG NIỆM, GHTGNTVN.

Chúng con kính cung thỉnh ĐĐ Pháp Tân / ĐĐ Pháp Tín
từ bi thuyết giảng bài học hôm nay. Namo Buddhāya.



C. Thảo Luận

Nội dung của Pháp đàm hôm nay:

Câu hỏi 1. (TT Giác Đẳng biên soạn): Những đề mục tùy niệm như niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm chết ... với nhiều ý niệm làm sao có thể là đối tượng của nhất tâm được ?

Câu hỏi 2. (TT Giác Đẳng biên soạn): Phải chăng với người tu Tứ niệm xứ, Chánh niệm càng vững chắc thì sự sanh diệt của thân tâm càng nhanh ?

Câu hỏi 3. (TT Giác Đẳng biên soạn): Niệm tử thi có dễ khiến hành giả bị bệnh hoạn về thân không ?

Câu hỏi 4. (TT Giác Đẳng biên soạn): Pháp Cú có câu: có thiền trí tuệ sanh, không thiền trí tuệ diệt. Thiền ở đây là chỉ hay quán ?

Câu Kinh trong phần "Học và Ghi nhớ":

...



D. Đố vui

Câu đố (TT Giác Đẳng biên soạn): Những đề mục thiền nào dưới đây được tìm thấy trong cả chỉ lẫn quán:

a. Hơi thở
b. Tử thi
c. Niệm tâm từ
d. a và b đúng.

________________________________________

Phần IV:
Hồi Hướng này đọc khi kết thúc phần đố vui và giảng sư mời Pt MC lên hoàn mãn buổi học. Giới thiệu bài học hôm sau / Hồi Hướng (Tri Chúng lên hồi hướng)

Kính Bạch chư Tôn Đức,
Kính thưa quý đạo hữu,


Ngày mai chúng ta sẽ được nghe
ĐĐ Pháp Đăng / Chư Tăng thuyết giảng Tuần 2: TỬ "VII. CẢNH GIỚI BẤT TỬ", chúng con kính thỉnh TT Giác Đẳng giới thiệu bài học ngày mai. Namo Buddhāya.

Sadhu! Sadhu ! Lành Thay!
Con .......... thay mặt đại chúng trong room, chúng con kính tri ân Chư Tôn Đức đã mở lòng bi mẫn giảng dạy Phật pháp hữu ích cho chúng con, đã hướng dẫn, dìu dắt chúng con tiến bước trên hành trình tu tập hầu mong đem lại an lạc trong đời sống và hướng đến đạo quả giải thoát luân hồi. Kính cám ơn đại chúng đã lắng tâm thanh tịnh thính pháp. Kính cám ơn quý chủ nhiệm, Ops, xướng ngôn viên đã yểm trợ cho các phần hành trong lớp học được hoàn tất mỹ mãn. Chúng con kính chúc chư Tôn Đức thân tâm thường lạc, đạo hạnh trang nghiêm, tâm bồ đề viên đắc, Phật đạo chóng viên thành, kính chúc quý đạo hữu luôn an lạc cát tường trong chánh pháp nhiệm màu của Đức từ phụ Thích Ca Mâu Ni.

Để kết thúc chương trình xin chúng ta nhất tâm hồi hướng.

Nguyện công đức đã làm
Kết duyên lành giải thoát
Nguyện hồi hướng chư thiên
Hàng thiện thần hộ pháp
Nguyện các bậc hữu ân
Ðồng thừa tư công đức
Nguyện chánh pháp trường tồn
Chúng sanh cầu giải thoát
Namo Buddhāya

mở kinh tụng và nhạc, (đóng room)

Kính thưa đại chúng, chương trình sinh hoạt hôm nay đến đây đã kết thúc. Ban điều hành room Diệu Pháp xin phép được đóng room trong vài giây tới. Kính chào tạm biệt tất cả, xin hẹn gặp lại quý vị ngày mai trong giờ thường lệ. Namo Buddhāya.