Wednesday, December 2, 2009

(Mọi trích đăng xin ghi rõ nguồn http://www.phapluan.net/)

No. 2551 (Pham Dao dịch)

Đức Đạt Lai Lạt Ma: Lớp Trẻ Có Thể Thay Đổi Thế Giới

Stephanie Gardiner. The Sydney Morning Herald. Ngày 30 tháng 11, 2009.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã kêu gọi lớp trẻ phải dấn thân để biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn.

Tất cả mọi cá nhân đều có thể làm nên một sự thay đổi, Ngài nói.

Vị lãnh tụ Phật giáo sẽ có những buổi nói chuyện tại Sydney, Melbourne và Hobart chú trọng vào năng lực của cá nhân và làm thế nào để đối mặt với những thử thách trong tương lai như sự thay đổi khí hậu và gia tăng dân số.

Chuyến viếng thăm của Ngài đánh dấu 20 năm kể từ ngày Ngài được trao giải thưởng Nobel Hòa Bình.

Trong một cuộc họp báo tại Sydney vào ngày thứ Hai, Ngài đã nói những người trẻ phải tận dụng tối đa vào thế kỷ 21.

“Qúy vị là thế hệ chủ chốt để tận dụng thế kỷ 21,” Ngài nói.

“Và trong tay của quý vị là một thế giới tốt đẹp hơn, hay tồi tệ hơn vào cuối thế kỷ này.”

Chủ đề chính của chuyến công du của Ngài là nhu cầu phát triển cả hai trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm toàn cầu để giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu và những thử thách khác trong tương lai.

Ngài nói rằng Ngài cảm thấy rất khích lệ rằng chính phủ khắp thế giới đang quan tâm về vấn đề khí hậu thay đổi một cách nghiêm túc.

“Chính quyền được người dân bầu chọn, đôi khi vấn đề … quan tâm chính yếu của họ là quyền lợi quốc gia, quyền lợi kinh tế quốc gia, rồi những vấn đề toàn cầu đôi khi đứng hàng thứ nhì.

“Điều đó, theo tôi nghĩ, nên thay đổi.

“Vấn đề toàn cầu nên là hàng đầu.

Trong một số trường hợp, để bảo vệ những vấn đề toàn cầu, (cần thiết) phải có một vài hy sinh lợi tức quốc gia.”

Mỗi cá nhân cũng có thể làm nên một sự thay đổi và giáo dục rộng rãi hơn về môi trường nếu cần thiết, Ngài nói.

“Trong trường hợp của riêng cá nhân tôi, tôi không bao giờ dùng bồn tắm, chỉ dùng vòi tắm.

“Bất cứ lúc nào tôi ra khỏi phòng, tôi đều luôn tắt đèn.

“Chăm sóc môi trường .. là một phần của cuộc đời tôi.

“Chăm sóc môi trường nên là một phần của đời sống hàng ngày của chúng ta”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma nói Ngài vui mừng được trở lại Úc sau chuyến viếng thăm vào tháng 6 năm ngoái.

Ngài nói Ngài đã không thất vọng không gặp mặt thủ tướng Kevin Rudd vì gặp gỡ công chúng là mục đích chính của chuyến viếng thăm của Ngài.

Với nụ cười mang bản quyền của mình, Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã cho một vài lời khuyên làm thế nào để có một cuộc sống toại nguyện.

Vị lãnh tụ 74 tuổi nói rằng người ta phải gắng tìm hạnh phúc ở “mức độ tinh thần” chứ không phải ở “mức độ giác quan” qua những thứ chẳng hạn như phim ảnh và ca nhạc.

“Nó thật sự không sâu sắc”, Ngài nói.

“Sự mãn nguyện chính gốc phải đến từ mức độ tinh thần, lòng yêu thương, lòng từ bi, tha thứ.

“Thông qua những thứ này … đó là sự mãn nguyện bền lâu.

“Sự mãn nguyện … thông qua mức độ giác quan là sự mãn nguyện ngắn ngủi”.

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

No. 2552 (Pham Dao dịch)

Cư dân tại Port Richey Thấy Được Sứ Mệnh

Của Cuộc Sống Trong Phật Giáo

Mindy Rubenstein. St. Petersburg Times. Ngày 28 tháng 11, 2009.

Richard Weissman đã tìm hiểu Phật giáo trong một sư tình cờ sau khi con chó của ông ta chết đi. Ông ngẫu nhiên rút ra một trong nhiều cuốn sách trong tủ sách của mình - Tử Thư Tây Tạng – và bắt đầu đọc cho vợ nghe để cố tìm một sự an ủi nào đó. Tại giây phút đó, sứ mệnh của ông ta đã được phát sinh.

“Nó đã tâm đầu ý hợp với tôi,” Weissman, 46 tuổi, người đã được nuôi dưỡng trong gia đình đạo Do thái nhưng tìm kiếm một con đường tâm linh trong giai đoạn trưởng thành. “Tôi đã như là, ‘À, đúng là nó rồi”.

Hiện nay, ông trông coi tổ chức Phật giáo địa phương tại khu vực Tampa Bay và hướng dẫn các lớp thiền. Ông quản trị đạo tràng Ratnashri tại Tampa Bay, một trung tâm Phật pháp, từ ngôi nhà của ông tại Port Richey.

Sau sự phát giác tâm linh của mình, ông ta đã dạo khắp mạng internet và tìm một mối quan hệ tại địa phương liên quan tới thực hành Phật pháp ông vừa đọc được. Liền sau đó, ông đã bắt đầu thường xuyên lái xe gần một tiếng đồng hồ đến Largo để gặp một nhóm người ngồi thiền và thực hành những việc Phật pháp khác.

Nhóm này đang muốn tái tổ chức và ông tình nguyện làm chủ tịch. Liền sau đó, ông cùng với vợ đã “quy y” - một tiến hành tâm linh để trở thành Phật tử.

Vị hướng dẫn tâm linh tương lai của ông – Drupon Thinley Ningpo Rinpoche, đã từ Frederick, Maryland xuống và ở lại nhà của ông.

“Trong truyền thống của chúng tôi, rất nhiều thứ được dựa trên sự nhận xét của vị lạt ma đối với cá nhân”, ông nói.

Drupon - một chức vị danh dự có nghĩa là “giảng sư tu học” – cắt tóc của Weissman, hỏi vài câu hỏi tìm hiểu và cho ông một pháp danh: Konchok Thubten. Tiến hành xảy ra khoảng chừng 30 phút, ông nói, nhưng ý nghĩa của nó rất sâu sắc.

“Nếu bạn đang ở trong một cơn bão và bạn không có nơi trú ẩn, bạn tìm nơi trú ẩn,” Weissman nói. “Nếu có đau khổ, bạn tìm nơi trú ẩn khỏi sự đau khổ của bạn.”

Sau đó, ông nói, ông cảm thấy khác rõ rệt.

“Tôi đã cảm thấy sự liên kết này rồi, rằng tôi đã được liên kết với một cái gì to lớn hơn bản thân tôi nữa,” ông nói.

Trong thời gian trưởng thành, Weissman tham gia nhà thờ Cải tổ, nhưng ông nói ông không biết nhiều về đạo Do thái.

“Tôi nghĩ đó là nền tảng văn hoá của tôi, bản tính sắc tộc của tôi,” ông nói. “Tôi cũng thấy có nhiều vị thầy bí ẩn kỳ lạ trong truyền thống đó”.

Ông làm việc cho Viện Quản Trị Năng Lượng có cơ sở tại Nữu Ước, đi Nữu Ước và Houston để dạy quản trị rủi ro và mua bán cho những người trong ngành năng lượng và ngân hàng. Vợ của ông, Pamela, là một nhà dược thảo.

Bà trưởng thành trong tín ngưỡng Công giáo. Xuất xứ từ Great Neck, Nữu Ước, họ dời về Florida vào năm 2002 bởi vì bà muốn có một căn nhà và ông Weissman muốn thoát khỏi những mùa đông miền Đông bắc.

Trong quá trình tìm kiếm của mình, Weissman nói ông đã thử nhiều tôn giáo và thực hành tâm linh khác nhau trước khi tìm ra Phật giáo.

“Tôi đã thích thú về tất cả các dạng truyền thống bí truyền Âu Châu”, ông nói, kể cả Cabala, thuyết ngộ đạo Thiên Chúa, thuyết thần bí Sufi. Ông cũng rất thích thú về thuyết bí truyền Á châu và đã nghiên cứu những tác phẩm của Yogananda, cũng như những tác phẩm của trường phái Con đường thứ tư.

Bây giờ, ông bỏ ra một ngày một giờ rưỡi để học thiền Tây tạng, cũng như một ngày một giờ học hỏi những bài pháp.

Ông nói có vài ngộ nhận phổ biến về Phật giáo. Đức Phật, thật sự có tên là Tất Đạt Đa, không có ý được coi như một Chúa trời hay một thần tượng. Phật có nghĩa là “Đấng giác ngộ”.

“Chúng ta không cầu xin Ngài. Chúng ta không cầu xin gã đàn ông có bụng bự”, Weissman nói. “Chúng ta không nghĩ rằng Ngài là Chúa trời. Chúng ta có những tiềm năng giống Ngài. Ngài đã nhận thức ra tiềm năng của mình và chúng ta vẫn còn trên quá trình nhận thức”.

Weissman thích là những lời giảng dạy có thể được tìm thấy và truyền từ sư phụ đến đệ tử trong một “cung cách nguyên vẹn”, từ một bản thể giác ngộ đến một bản thể giác ngộ.

Một khía cạnh khác mà ông thấy rất lôi cuốn là không có “tín ngưỡng mù quán” trong Phật giáo. “Thay vào đó, bạn cần phải dùng năng lực suy luận của mình và nhìn coi nó có lý hay không”, ông nói về truyền thống Phật giáo. “Và nếu nó không có lý thì bạn không tin vào nó”.

Weissman qiản trị một trong 6 trung tâm Phật pháp tại Florida và cũng là người phụ tá cho Drupon Thinley Ningpo Rinpoche. Ông nhanh chóng nói thêm rằng ông không phải là một vị lạt ma, và chỉ trả lời, giống như một thầy giáo dạy thế.

Paula và Ralph Testa, học trò của Weissman, thường tiếp đón các vị lạt ma và tăng sĩ tại nhà của họ tại Hudson. Ralph về hưu từ Đội Cứu Hoả Quận Hạt Pasco, và Paula trước đây là cô giáo tại Pasco.

“Ông ta là một thầy giáo rất giỏi,” Ralph Testa nói về Weissman. “Ông ta cũng là một con người không giả dối nữa. Ông ta đang sống trên con đường đạo. Ông ta là một con người rất chân thật”.

Bobbie Taylor trở thành một học trò của Weissman khoảng 4 năm trước đây khi chồng của bà đang hấp hối bởi cơn bệnh Alzheimer và những sự thực hành thiền định của tự bà đã không giúp được gì cho bà.

“Tôi nghĩ nó thật sự đã giúp tôi trên nhiều phương diện”, bà nói về thiền Phật giáo bà đã học.

Thân mẫu người Do thái của Weissman, người đã có những hy vọng khác cho con trai của bà, đã nói với ông, “Mẹ đoán rằng đây là một việc làm tương tự nhất so với việc con trở thành một giáo sĩ Do thái”. Nhưng bà ủng hộ quyết định của ông.

“Mục tiêu lớn của tôi là đạt giác ngộ”, ông nói. Để giúp cho mình đi đến mục tiêu, ông dự định sẽ lạy và tụng thần chú 100 ngàn lần - một phương pháp dân hiến bản thân của ông cho một cái gì vượt ra ngoài bản thân của mình.

“Tôi nghĩ hầu hết người ta không thể làm được việc đó ngay liền”, Weissman nói. “Nó cần có những khoảng năng lượng khổng lồ. Và có lẽ qua hơn một kiếp”.