Monday, August 24, 2009

Mọi trích đăng xin ghi rõ nguồn http://www.phapluan.net/)

No. 2455 (Pham Dao dịch)

Năng lực của sự tụng niệm.

Magdalena Wegryn. Longmont Times-Call. Ngày 21 tháng 8, 2009.

LONGMONT – Khi Mochiko Schler dùng một cái dùi nhỏ nhẹ nhàng gõ một cái chuông bằng gốm màu đen, một âm thanh nhỏ vang vọng khắp ngôi nhà.

Schler cúi đầu và dừng lại trước một cái hộp gỗ màu bạch kim treo trên bức tường trong phòng khách ở nhà của bà.

Và sau đó bà bắt đầu. “Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh,” bà tụng, càng lúc càng tăng tốc độ cho đến khi những chữ đó hoà quyện vào nhau như một thứ âm điệu.

Schler, một tín đồ của Phật giáo Quốc Tế Soka Gakkai (SGI), mở cửa căn nhà của bà tại Longmont vào mỗi thứ Tư hàng tuần để cho các thành viên của SGI tụng kinh suốt ngày. Bà và chồng, Dwight Schler, là lãnh đạo của các tín đồ SGI tại miền Longmont, một cộng đồng gồm 40 thành viên.

Soka Gakkai, có ý nghĩa “xã hội gầy dựng giá trị”, là một truyền thống Phật giáo với khoảng 12 triệu tín đồ trên toàn thế giới, theo như trang nhà internet SGI-USA.

Các Phật tử SGI tuân theo những thực hành của một nhà cải cách Phật giáo vào thế kỷ thứ 13, Nichiren Daishonin. Mỗi buổi sáng và buổi tối, họ tụng kinh ở trước Gohonzon, một cuộn giấy với những chữ Tàu mô tả tính chất của con người.

Cuộn giấy là một công cụ để tín đồ xử dụng để bày tỏ bản tánh giác ngộ của mình, Chris Risom, hướng dẫn viên về hòa bình và liên lạc cộng đồng cho SGI-USA tại miền Rocky Mountain bao gồm các tín đồ tại Colorado, Wyoming, Utah và Nam Dakota, nói.

Thật sự, lời kinh tụng có nghĩa là “Đệ tử nguyện thấu hiểu luật nhân quả qua âm thanh và hành động”. Risom nói. Tín đồ cũng cầu nguyện trong âm thầm vàđọc tụng theo nghi lễ Phật giáo Nichiren.

Nước lọc được đặc trước mặt Gohonzon trước giờ tụng kinh mỗi buổi sáng và dọn đi trước giờ tụng kinh chiều. Người ta cũng có thể đặc những đồ cúng dường như hương hoa, nến, và trái cây, Risom nói.

“Chúng tôi tin rằng Gohonzon tượng trưng cho cuộc sống của mình, và bạn cúng dường các góc cạnh của cuộc sống để làm phong phú cuộc sống của mình”, ông nói.

Cuộn giấy được giữ bên trong một bàn thờ, thường được làm bằng nhựa hay gỗ. Nhưng bàn thờ không quan trọng, Risom nói. Lần đầu tiên khi ông tụng kinh, Gohonzon của ông được đặt trong một thùng giao sữa được ông dùng một tấm khăn màu xanh da trời phủ lên trên. Hiện nay, Risom có một bàn thờ màu thạch trải dài từ tầng cho đến sàn nhà.

Tuy nhiên, cốt lõi của tín ngưỡng là ở nơi tụng niệm, ông nói. “Đó mới là thật sự thực hành”, Risom, 61 tuổi, người đang là tín đồ của SGI được 36 năm, nói. “Nó không phải là việc làm một tuần một lần. Bạn phải không ngừng nỗ lực để tu dưỡng bản thân và trở thành con người tốt đẹp nhất mà.bạn có thể làm được”.

Các thành viên vừa thực hành tụng niệm cá nhân vừa trong những nhóm như một phương tiện để đạt giác ngộ, Risom nói. Mỗi tháng một lần, thành viên SGI từ Front Range tập hợp tại Trung tâm Văn Hóa Denver của SGI-USA để cầu nguyện cho hoà bình thế giới qua sự hạnh phúc cá nhân, Risom nói.

Trong những buổi tụng niệm hàng ngày, các tính đồ tập trung vào những thử thách thường ngày như công ăn việc làm, những mối quan hệ, vấn đề tài chánh, sức khỏe.

Schler, di cư từ Nhật qua Mỹ vào năm 1996, nói bà đã tụng kinh suốt hầu hết những trở ngại trong đời mình: rời quê hương, an cư trên đất nước mới và đi tìm hạnh phúc.

“Tôi rất hạnh phúc vì tôi biết tôi là ai”, Schler, 57 tuổi, người đã trở thành một Phật tử SGI cách đây 27 năm, nói. “Trước đó, tôi không biết tôi là ai”.

Để giữ tập trung, Schler và các tín đồ khác xỏ một tràng chuổi hạt quanh ngón trỏ của mổi tay. Khi tâm của bà bắt đầu đi lang thang, Schler nhanh chóng chà hai lòng bàn tay với nhau, làm rung động các hạt chuổi và giúp bà tập trung lại trong việc tụng niệm, bà nói.

Kyo Hagan, một Phật tử SGI trong hơn 50 năm, nói rằng tụng niệm đã ban cho bà một niềm an lạc, và một cảm giác quyết tâm. Hagan, 74 tuổi, đã bị tai biến mạch máu não cách đây 6 tuần. Qua suốt thời gian hồi phục của mình, bà đã tụng “Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” để làm dịu tâm của bà xuống. Schler và miền Longmont cũng tụng niệm trợ lực cho bà.

Trong ngày thứ Tư, Hagan đã ghé qua nhà của Schler để tụng niệm với nhóm.

“Với Gohonzon, chúng ta có thể vượt qua hết mọi chuyện trong cuộc sống của mình”, bà đã nói trong lúc nghĩ giải lao giữa những thời kinh. Một vài phút sau, bà lấy tràng chuỗi hạt của mình, cúi đầu và thoát vào trong một thường lệ thoải mái.

“Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh”, bà bắt đầu.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
No. 2456 (Pham Dao dịch)

Nhà tu phải nên làm gương

Victor Ifedi. The Guardian. Thứ Bảy ngày 22 tháng 8, 2009.

Thầy tu là những người truyền giáo. Thuở xưa, các tổ du hành khắp nơi để truyền đạt những chân lý tôn giáo xuyên qua những hành lang đường bộ và vượt qua những dòng sông. Tôn giáo của họ khác nhau, từ Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo, Phật Giáo, Shinto giáo, Ấn giáo, và các tôn giáo khác. Họ đã cảm hoá nhiều người và đã thu hút một số tín đồ đông đúc. Ngày nay, nền văn minh đã làm biến chất rất nhiều nhà tu hành. Con số của những người này cũng gia tăng gấp bội.

Với sự gia tăng của các thầy tu, những người hoài nghi đã nêu ra những nỗi lo sợ chính đáng. Một tổng giám mục gần đây đã phàn nàn rằng một số thầy tu là những kẻ cướp giựt. Ngài kết án những người truyền đạo đó đang lợi dụng đạo tràng của họ và làm tiền bằng sự giả dối ngụy tạo. Họ dựng nên những cuộc viễn chinh tôn giáo, giảng những bài thuyết pháp mập mờ và biểu diễn những phép mầu dối trá. Một nhân vật nổi tiếng mang danh Chúa đã biểu diễn các phép lạ trên truyền hình.

Chủ nghĩa vật chất dường như đã tước đoạt các thực hành tôn giáo. Nghe nói một thầy tu nổi tiếng gần đây đã mua một chiếc phi cơ. Một số thầy tu chưng bày những gia sản đồ sộ, lái những chiếc xe kiểu mẫu tân thời và đang xây cất những toà lâu đài. Nguồn gốc của những gia tài khổng lồ như vậy đã tạo ra một cơn bão tuyết của những câu chuyện tầm phào. Càng ngày càng nhiều vị lãnh đạo nhà thờ và chùa chiền cho người ta một ấn tượng rằng họ là những lái thương nắm giữ tài sản của chùa chứ không phải đạo tràng. Bây giờ gia đình sở hữu chùa chiền và nhà thờ. Các thành viên hoàn toàn bị loại trừ.

Chúng ta cần một dòng dõi mới của các thầy tu - những người sẽ là những nhà truyền đạo cao quý và những tấm gương sáng trong xã hội. Việc đào tạo thầy tu trong những tu viện cũng nên được chỉnh đốn lại. Một cơ chế giám định phải được thiết lập để ngăn ngừa sự nảy nở của những tổ chức tôn giáo. Chính quyền phải chú ý tối đa đến việc gầy dựng công ăn việc làm cho các học sinh ra trường để tránh sự ồ ạt làm nghề thầy tu bởi những người nhìn thấy đó là cách cuối cùng thật sự để tồn tại.