Tuesday, September 29, 2009

(Mọi trích đăng xin ghi rõ nguồn http://www.phapluan.net/)

No. 2491 (Phạm Dao dịch)

Học sinh Tây Tạng

trân trọng sự tự do tại Hoa Kỳ

Adam Bowles. Bản Tin Norwich. Ngày 26 tháng 9, 2009.

Montville, Connecticut -- Trong lúc bản quốc ca Tây Tạng đang trổi lên từ một video trên YouTube trong một lớp học sau giờ tại trường Trung Học Montville, cô bé 16 tuổi tên Tenzing Khando đã bắt đầu lẵng lặng khóc mặc dù cô vẫn cười một cách yếu ớt.

Tây Tạng nên được thoát khỏi ách cai trị của Trung cộng, Tenzing, đến Montville trong năm 2008 sau khi sống tại Ấn Độ được 7 năm, nói. Cô bé và gia đình đã bỏ Tây Tạng ra đi, một phần bởi vì cô đã không thể có được một sự giáo dục bằng tiếng mẹ đẻ hay tự do thực hành tôn giáo của mình, Phật giáo.

Lòng cảm xúc và biết ơn sự tư do mới mẻ trên đất nước Hoa Kỳ phần nào đã giải thích tại sao cô tham gia chương trình dạy kèm sau giờ học để tiến xa hơn nữa việc học hành mà cô đã bị mất đi khi còn ở Tây Tạng.

“Con có rất nhiều ước vọng”, cô nói, kể cả một khả năng làm một thông dịch viên.

Chương trình dạy kèm cho học sinh của chương trình Người Học Anh Văn (ELL) đã bắt đầu năm thứ hai tại trường trung học Montville.

Gần 40 học sinh ELL của trường có thể tận dụng chương trình dạy kèm này. Phần lớn các học sinh là người Tàu, khoảng một chục học sinh là người Tây Tạng và một ít người Bangladesh - mặc dù thường có từ 12 đến 17 học sinh đến học.

Trong nhóm học sinh đó, có 2 nam và 8 nữ học sinh là người Tây Tạng, một phát triển ngạc nhiên của chương trình dạy kèm, tổng giám đốc chương trình ELL, Robert Thorn, nói.

“Cái làm tôi khâm phục là lòng khát khao và ước vọng và ý chí thành công”, ông Thorn nói.

Nhiều học sinh Tây Tạng đã di cư đến Montville trong vòng khoảng chừng năm ngoái để sống với cha mẹ hay người thân đã đến đây để làm việc tại Mohegan Sun.

Một số học sinh đã vượt biên cùng với các thành viên của gia đình đến Ấn độ, nơi họ đã đến trường và học Anh văn.

Tương lai sáng lạng

Ông Thorn nói, bây giờ, những học sinh này học vượt bậc trong trường. Các học sinh Tây tạng có mục tiêu nghề nghiệp.

Tsering Lhamo, 17 tuổi, học trường Tây Tạng tại Ấn Độ từ năm 2003 đến 2008 và có mẹ vẫn còn sống tại Tây Tạng để lo cho ông bà của Tsering, muốn trở thành một y tá hay bác sĩ.

Cô không đi học tại Tây Tạng, nơi cô nói người dân Tây Tạng sống dưới sự đe doạ sẽ bị giết hay bỏ tù nếu họ dám chống lại nhà cầm quyền Trung cộng.

Choezin Lhamo, 17 tuổi, muốn trở thành ca sĩ và đã biểu diễn với đồng hương Tây Tạng của mình vào các dịp tại địa phương.

Tashi Lhamo, 19 tuổi, nói gia đình của cô, bao gồm 11 anh em, là dân du mục tại Tây Tạng, Ba người anh của cô là Tăng sĩ tại Tây Tạng, 2 người chị đã lập gia đình và có con tại Tây Tạng, 1 người anh làm việc tại vùng này, 2 người chị làm việc tại Mohegan Sun, và 3 em học tại trường tiểu học và sơ học Montville. Tashi muốn trở thành một y tá hay bác sĩ.

Cô nói, cô mang ơn chương trình dạy kèm sau giờ học vì cô không hoàn toàn thoải mái tại các lớp trong giờ.

“Khó nói trong lớp quá, vì con không có một giọng phát âm tiếng Mỹ”, Tashi nói. “Khi con tham gia chương trình này, tất cả học sinh đều giống nhau. Con thấy đỡ hơn”.

Delek Cheokey, một học sinh Tây Tạng 16 tuổi, nói cô đã học tại một trường Tàu công cộng, nhưng cô đã bị cấm nói về tôn giáo của mình hay ăn mặc theo phong tục văn hóa của mình.

Ge Qing, 17 tuổi, đến Montville qua đường dây Nữu Ước 2 tháng trước đây. Mẹ của cô bé học lớp 10 làm việc tại Mohegan Sun. Một ngày nào đó, Ge muốn sẽ trở thành một cô giáo.

Jiangyang Wangmu, 15 tuổi, là một tân học sinh tại trường trung học Montville, di cư đến thành phố này để đoàn tụ với người cha đang làm quản gia tại Mohegan Sun.

Tashi Lhatso, 13 tuổi, là học sinh người Tây Tạng mới nhất trong chương trình dạy kèm sau giờ học. Cô đến trường cách đây một tuần và đang sống với người cô chỉ được một tháng. Trước đó, cô học tại Ấn Độ được 7 năm.

Cha của cô bé, đang sống tại Brooklyn, Nữu Ước, đã 2 lần chống lại nhà cầm quyền Trung cộng trong khi làm Tăng sĩ tại Tây Tạng, dẫn đến những lời đe dọa ông ta sẽ bị bắt bỏ tù. Ông đã trốn qua Ấn Độ và sau đó tìm cách gọi cho gia đình của mình.

Vượt biên

Mẹ và em trai của Tashi đã bị đuổi về tại biên giới Nepal vì không có giấy tờ. Nhưng Tashi, lúc đó 6 tuổi, núp trong một kho hàng chứa đầy ngập rác rưởi từ một nông trại, ở phía sau một chiếc xe tải. Cô bé đã được một cặp vợ chồng người Nepal, được cha của cô bé trả tiền để làm phi vụ này, dẫn đường đến nơi an toàn.

Mục tiêu của Tashi là trở thành một nhà văn, hoặc có thể làm một giáo sư để cô bé có thể dạy những người khác.